Người tiêu dùng đang ngóng trông từng ngày giá xăng dầu hạ nhiệt |
Thời gian qua, dư luận không đồng tình về quyết định của Liên Bộ Tài chính - Công thương không giảm giá xăng dầu trong khi giá mặt hàng này trên thế giới đang giảm mạnh.
Việc hai Bộ quyết định tăng thuế nhập khẩu và lập quỹ bình ổn giá xăng dầu là không phù hợp với kinh tế thị trường và gây khó khăn cho người dân. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nghịch lý về giá xăng dầu của Việt Nam so với thế giới thời điểm hiện tại là đồn đẩy khó khăn cho người tiêu dùng.
Mập mờ giá xăng dầu
Về nguyên tắc, hiện nay giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, tức thị trường thế giới. Thời gian vừa qua, giá dầu thô thế giới liên tục giảm và ổn định dưới ngưỡng 100USD/ thùng, tuy nhiên giá bán lẻ trong nước vẫn giậm chân tại chỗ.
Trước nghịch lý này, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam biện minh, tuy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước chưa thể giảm theo vì xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá của một số nước trong khu vực. Theo Petrolimex, xăng A92 tại Việt Nam đang bán với giá 21.300 đồng /lít; thấp hơn Lào 5.225 đồng /lít, thấp hơn Campuchia 4.095 đồng /lít, thấp hơn Singapore 12.161 đồng /lít và thấp hơn Trung Quốc 4.048 đồng /lít.
Ngay sau thông tin này được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã lập tức phản pháo, họ cho rằng cách so sánh này là hoàn toàn khập khiễng và không thuyết phục. Sở dĩ giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực cao hơn Việt Nam là do thuế nhập khẩu của các nước đánh vào mặt hàng này hiện cao hơn Việt Nam từ 5-7 lần.
Cụ thể ở Campuchia, mức thuế suất này vào thời điểm thấp nhất cũng là 20% và hiện tại là 35%, trong khi ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 5%. Tương tự, ở Singapore, thuế nhập khẩu xăng hiện đang ở mức 31%, đó là chưa kể nước này còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng ở mức rất cao để bảo vệ môi trường.
Như vậy, nếu Việt Nam cũng áp mức thuế nhập khẩu cao như ở Campuchia hay Singapore thì giá xăng trong nước sẽ phải cao hơn hiện nay tới gần chục nghìn đồng mỗi lít, tức là cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực mà Petrolimex đưa ra làm ví dụ. Người tiêu dùng đã chờ đợi mỏi mòn động thái giảm giá của các công ty xăng dầu, tuy nhiên xem chừng điều đó vẫn còn quá xa vời.
Anh Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Công ty UVIP Việt hoạt động về lĩnh vực vận tải bày tỏ: "Mỗi đơn vị đều nói có cái khó nhưng tại sao không nghĩ cho người tiêu dùng. Trong lúc kinh tế còn khó khăn, lúc tăng giá xăng thì tăng nhiều hơn so với lúc giảm. Bây giờ thực tế xăng dầu giảm rồi tại sao không giảm cho người tiêu dùng? Nhà nước thì hỗ trợ cho doanh nghiệp, còn người tiêu dùng thì ai hỗ trợ?".
Theo anh Tuân, mỗi khi tăng giá các doanh nghiệp đều vin vào cơ chế thị trường. Nhưng hiện nay xăng dầu giảm thì lại không nói đến. Vậy phải hiểu thế nào về khái niệm "cơ chế thị trường" mà các doanh nghiệp sử dụng khi nó không tăng - giảm theo đúng quy luật và diễn biến của thị trường?
TS. Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng Kinh tế, Viện Kinh tế Phát triển Hà Nội cũng cho rằng: "Về nguyên tắc, Chính phủ cho phép các đơn vị kinh doanh xăng dầu tăng, giảm theo sự lên, xuống của giá cả thị trường xăng, dầu thế giới. Khi giá dầu thế giới giảm, lẽ ra giá dầu ở Việt Nam phải giảm theo, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đều kêu: Mức tăng chưa đủ sức bù lỗ nên chắc chắn, trong thời gian tới, giá xăng, dầu vẫn chưa thể xuống ngay được".
Người tiêu dùng luôn chịu thiệt
Trao đổi với PV, TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét: "Trước đây, khi giá xăng dầu trên thế giới tăng thì các doanh nghiệp và Bộ Tài chính tiến hành tăng giá xăng ngay lập tức. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi giá dầu thô thế giới giảm từ 113USD/thùng xuống dưới 100USD/thùng nhưng Bộ Tài chính và các đầu mối nhập khẩu dầu tại Việt Nam không chịu giảm giá cho dân. Họ lại đưa ra chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này hay lập quỹ bình ổn giá xăng.
Tôi cho rằng đây là cách hành xử thiếu tính nhất quán và không giữ cam kết lúc đầu của các doanh nghiệp và Bộ Tài chính đối với người dân. Theo tôi, nếu cứ xử lý theo cách này sẽ rất khó có thể đóng góp vào việc giảm lạm phát ở nước ta hiện nay. Bởi vì, xăng dầu là một yếu tố rất quan trọng cho nền kinh tế, nếu thực hiện tốt việc điều chỉnh giá, xăng dầu giảm sẽ đóng góp cho lạm phát giảm rất nhanh".
Theo TS Lê Đăng Doanh, để giải quyết việc thiếu nhất quán về giá xăng dầu này, Bộ Tài chính và các công ty xăng dầu nên đưa ra các lộ trình rõ ràng để người dân biết được bao giờ giá xăng dầu sẽ giảm. Điều này sẽ giúp cho người tiêu dùng và người kinh doanh xăng hiểu, từ đó có thể dễ dàng thông cảm cho nhau.
"Người ta hay nói rằng, lẽ phải bao giờ cũng thuộc về người có quyền khi mà giá xăng dầu thế giới giảm, tuy nhiên các đơn vị đều không muốn giảm, thậm chí vẫn muốn tăng. Cái cách xử lý không báo trước với người dân chỉ khiến họ ngỡ ngàng và thêm bức xúc", TS Doanh thẳng thắn nhận xét.
Theo TS Doanh việc Bộ Tài chính quyết định không giảm giá xăng dầu trên thị trường mà tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này là động thái để giữ sự bình ổn cho mặt hàng này nếu thị trường thế giới biến động. ông khẳng định: "Nói gì thì nói, người dân vẫn là người chịu thiệt nhất. Họ thực sự chẳng biết kêu ai, kêu vào đâu nữa. Trong trường hợp này, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nên vào cuộc, nên thay mặt cho quyền lợi của người dân để kiến nghị với Chính phủ".
Trên thực tế, Bộ Tài chính chủ trương các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng góp 100 đồng/lít xăng vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. "Tuy nhiên, đến nay, chưa ai biết cái quỹ bình ổn giá này được điều hành như thế nào, hoạt động ra sao, sử dụng thế nào?. Tôi cũng được biết là các công ty xăng dầu nhỏ cũng than rằng họ cũng chưa biết gì về cái quỹ này. Cõ lẽ, tất cả chúng ta đều mong muốn rằng, quỹ này sẽ công khai minh bạch trong thời gian tới vì đó là số tiền mà do dân đóng góp vào" TS Doanh cho biết.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)